Thứ tư, 24/05/2023 | 14:55

Ung thư vú ở nữ giới: Khái niệm, triệu chứng và các yếu tố nguy cơ

Ung thư là bệnh lý liên quan đến các tế bào trong cơ thể tăng sinh mất kiểm soát. Sau ung thư da, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ tại Hoa Kỳ.

1. Thông tin cơ bản về ung thư vú

Ung thư là bệnh lý liên quan đến các tế bào trong cơ thể tăng sinh mất kiểm soát. Sau ung thư da, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ tại Hoa Kỳ.

Mỗi năm, tại Hoa Kỳ, có khoảng 264.000 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư vú ở nữ giới và khoảng 2.400 trường hợp ở nam giới. Trong đó, tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở nữ giới là 42.000 người và nam giới là 500 người. Phụ nữ da đen mắc bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn so với phụ nữ da trắng.

1.1. Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là bệnh lý liên quan đến các tế bào trong vú tăng sinh mất kiểm soát. Có nhiều loại ung thư vú khác nhau, phụ thuộc vào loại tế bào đã biến chuyển thành tế bào ung thư.

Vú bao gồm ba bộ phận chính: các tiểu thùy, ống dẫn sữa và mô liên kết. Các tiểu thùy là nơi sản xuất sữa. Ống dẫn sữa giúp vận chuyển sữa đến núm vú. Mô liên kết (bao gồm mô xơ và mô mỡ) bao quanh và liên kết các tế bào với nhau. Ung thư vú có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của vú. Hầu hết các loại ung thư vú thường xuất phát từ ống dẫn sữa hoặc các tiểu thùy.

Ung thư vú có thể lan rộng thông qua các mạch máu và mạch bạch huyết. Khi ung thư vú lan sang các bộ phận khác của cơ thể, nó được gọi là ung thư di căn.

1.2. Các loại ung thư vú:

Các loại ung thư vú phổ biến gồm:

- Ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm lấn: Tế bào ung thư bắt đầu từ bên trong xâm lấn ra bên ngoài ống dẫn sữa và đến các mô liên kết, rồi di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

- Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn: Tế bào ung thư bắt đầu từ các tiểu thùy của vú. Sau đó, các tế bào ung thư lan đến hạch bạch huyết và các phần khác của cơ thể.

- Ung thư biểu mô ống tuyến vú tại chỗ (DCIS) có thể dẫn đến ung thư vú xâm lấn. Các tế bào ung thư chỉ nằm trong lớp niêm mạc của ống dẫn sữa và chưa lan sang các mô khác trong vú.

Ngoài ra, có một số loại ung thư vú ít phổ biến khác, chẳng hạn như: bệnh Paget của núm vú (một loại ung thư hiếm gặp xuất hiện dưới dạng mảng đỏ giống vẩy nến hoặc chàm ở núm vú và quầng vú), ung thư vú thể tuỷ (một loại ung thư xâm nhập - có khả năng phát triển và lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể), và ung thư vú dạng viêm (là một dạng ung thư vú hiếm gặp và nguy hiểm, căn bệnh này thường xuất hiện dưới dạng phát ban hoặc vùng da bị kích thích).

2. Vú bình thường và các triệu chứng của ung thư vú

2.1. Vú bình thường có đặc điềm gì?

Vú bình thường không có tiêu chuẩn đồng nhất. Hầu hết phụ nữ cho biết, hình dáng vú của họ không đều. Hình dáng và cảm giác ở vú có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chu kỳ kinh nguyệt, sau sinh con, thay đổi cân nặng và sử dụng một số loại thuốc. Vú cũng dễ thay đổi khi tuổi tăng lên.

2.2. Các triệu chứng của ung thư vú.

Mỗi bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Một số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.

Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư bao gồm:

- Xuất hiện khối u ở vú hoặc nách.

- Tăng độ dày da vú hoặc sưng tấy một phần của vú.

- Da vú bị kích ứng hoặc nhăn nheo.

- Da đỏ hoặc bong tróc ở vùng núm vú hoặc vú.

- Núm vú tụt vào trong hoặc thay đổi hình dạng.

- Tiết dịch bất thường ở núm vú, đặc biệt dịch có lẫn máu.

- Tăng kích thước hoặc thay đổi hình dạng vú.

- Đau nhức ở bất kì vị trí nào của vú.

Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của các căn bệnh khác không phải ung thư. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

2.3. Khối u trong vú.

Có khối u trong tuyến vú nhưng không phải ung thư vú.

Các khối u trong vú có thể có nhiều gợi ý bệnh khác nhau, trong đó có thể bao gồm ung thư. Tuy nhiên, hầu hết các khối u trong vú không phải là ung thư mà do các vấn đề y tế khác. Hội chứng sợi bọc tuyến vú và u nang làm thay đổi tuyến vú, gây nổi cục và đau vú mà không phải ung thư. Các u nang là các túi nhỏ chứa dịch bên trong.

3. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú phụ thuộc vào sự kết hợp của nhiều yếu tố. Những yếu tố chính ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh bao gồm giới tính và tuổi tác. Hầu hết những trường hợp ung thư vú được phát hiện ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên.

Một số phụ nữ có yếu tố nguy cơ nhưng không phải tất cả sẽ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, có những phụ nữ không có bất kì yếu tố nguy cơ nào lại mắc ung thư vú được biết đến. Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ về bệnh ung thư vú, hãy nói chuyện với bác sĩ về các giải pháp y tế để giảm nguy cơ và sàng lọc bệnh ung thư vú kịp thời.

3.1. Các yếu tố nguy cơ không kiểm soát được:

- Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư vú tăng theo tuổi tác. Hầu hết các trường hợp ung thư vú được phát hiện sau tuổi 50.

- Đột biến gen: Phụ nữ mang các biến đổi di truyền (đột biến) các gen nhất định như BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng cao hơn.

- Sự thay đổi hormon: Dậy thì sớm trước 12 tuổi hoặc bước vào mãn kinh muộn sau 55 tuổi khiến cho phụ nữ tiếp xúc với hormon lâu hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

- Có mô vú dày đặc: Phụ nữ có mô vú dày đặc có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn do vú dày có nhiều mô liên kết hơn so với mô mỡ, gây khó khăn trong việc nhìn thấy khối u trên phim chụp quang tuyến vú.

- Bản thân đã từng mắc ung thư vú hay một số bệnh liên quan đến vú như tăng sinh tuyến vú hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

- Tiền sử gia đình về bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng. Có một thành viên trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em hoặc con cái bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

- Tiền xử xạ trị: Nguy cơ mắc ung thư vú tăng nếu trước đó đã từng xạ trị ở ngực vì một loại ung thư khác.

- Tiền sử tiếp xúc với chất diethylstilbestrol (DES). DES được sử dụng để phòng ngừa sảy thai cho một số phụ nữ mang thai tại Hoa Kỳ từ năm 1940 đến năm 1971. Phụ nữ đã dùng DES hoặc có mẹ đã dùng DES trong thời gian mang thai có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

3.2. Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được:

- Hoạt động thể chất: Ít hoặc không hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

- Thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là sau khi mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Sử dụng các liệu pháp nội tiết tố thay thế: Dùng một số loại liệu pháp thay thế hormone kết hợp sau khi mãn kinh hoặc sử dụng một số loại thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Tiền sử sinh sản: Mang thai lần đầu sau tuổi 30, không sinh con hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ có thể tăng nguy cơ ung thư vú.

- Uống rượu: Nguy cơ ung thư vú tăng lên khi mức độ tiêu thụ rượu cao hơn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố khác như hút thuốc, tiếp xúc với các chất gây ung thư và thay đổi các hormone khác do làm việc ca đêm cũng có thể tăng nguy cơ ung thư vú.

Từ khóa: Nghiên cứu khoa học

Bài liên quan