Thứ ba, 19/07/2022 | 23:26

Biến thể Delta plus AY.4.2 và mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID

Từ khóa: Covid-19, SARS-CoV-2, biến thể, Delta plus, AY.4.2

Tóm tắt nội dung

Virus Corona là một họ virus lớn gồm nhiều chủng loại virus ảnh hưởng đến hệ hô hấp của động vật có vú, bao gồm cả con người. Đây là một bệnh gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như cảm lạnh thông thường, mệt mỏi, viêm phổi, suy hô hấp nặng, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hoặc các bộ phận khác trong cơ thể, khiến người bệnh tử vong.

Biến chủng virus Corona là “thuật ngữ” để miêu tả biến thể của virus Corona khác biệt với các virus đồng loại của nó một cách đáng kể. Sự khác biệt này được thể hiện ở các khía cạnh: tính dễ lây (khả năng truyền bệnh), độc lực (khả năng gây bệnh), sự nhạy cảm với thuốc điều trị/vắc xin phòng ngừa (khả năng chịu đựng) của virus SARS-CoV-2.

Chúng ta có thể hiểu rằng, những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể” (variant). Sau khi biến đổi chúng sẽ có những biểu hiện rõ ràng, cụ thể được gọi là “biến chủng” (mutant).

Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật). Cấu tạo của virus bao gồm lớp vỏ bên ngoài là protein hoặc đôi khi là lipit (cồn, xà bông sát khuẩn là để đánh bay lớp vỏ này), lõi nhân là RNA hoặc DNA và đôi khi là các enzyme cần thiết cho bước đầu tiên nhân bản của virus. Trong quá trình nhân bản, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi, đặc biệt là những virus có bộ gen RNA. Virus SARS-CoV-2 có bộ gen RNA và nó cũng có những thay đổi do những sai lầm quá trình nhân bản. Những thay đổi đa phần không có ý nghĩa khi không làm thay đổi mã di truyền của virus, song, chỉ cần ít nhất một mã di truyền thay đổi đã đủ tiêu chuẩn thành biến thể. Lý giải nguyên nhân virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, các nhà dịch tễ cho hay, nhờ trên bề mặt có những protein gai (spike protein) giúp virus bám vào đường hô hấp. Sau khi bám, nó sẽ nhảy sang tế bào biểu mô và nhân bản, sau đó thoát ra khỏi tế bào cũ để xâm nhập vào tế bào mới và lây cho cộng đồng qua đường mũi, miệng. Nếu sự biến đổi gen làm các “xúc tu” protein gai này hút chặt hơn thì tất yếu dẫn tới lây nhiễm nhanh hơn.

Giữa tháng 10/2021, cơ quan An ninh y tế Anh đã đưa ra một báo cáo cho biết: “Một biến thể Delta mới ghi nhận là AY.4.2 (còn gọi là Delta plus) đang lây lan ở Anh và đang theo dõi biến thể này, bao gồm các đột biến đối với protein gai (A222V và Y145H) mà virus corona sử dụng để xâm nhập vào tế bào của con người”.

Biến thể Delta plus AY.4.2 là gì?

Được coi là họ hàng gần của biến thể Delta, Delta plus (hay AY.4.2.) được các nhà khoa học Anh xác định vào tháng trước. Tuy nhiên, do biến thể này chưa gây ra tình trạng khẩn cấp nên nó vẫn chưa được đặt tên chính thức theo chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, giống như những biến thể khác trước đây.

Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền học thuộc Đại học College London (Anh), cho biết biến thể Delta plus có 2 đột biến ở protein gai (spike protein), giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào con người.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về COVID-19, cho biết: "Cho đến nay Delta vẫn là biến thể chiếm ưu thế nhất về mức độ lây nhiễm toàn cầu. Tuy nhiên, biến thể Delta đang tiếp tục biến đổi và nếu nó lây nhiễm càng rộng thì nguy cơ đột biến càng cao. Cơ quan y tế Liên hợp quốc hiện đang theo dõi 20 biến đổi của biến thể Delta, trong đó AY.4.2 là một biến thể đáng quan tâm và đang theo dõi sát sao nó".

Mức độ nguy cơ gây bệnh của Delta plus AY.4.2

Các nhà khoa học đang theo dõi biến thể Delta plus này để xem liệu nó có nguy cơ lây nhiễm hoặc gây nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó hay không. Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia Anh cho biết biến thể này chiếm 6% trong tổng số các trường hợp COVID-19 được phát hiện.

Anh hiện đang chứng kiến sự gia tăng kéo dài và đáng lo ngại về số ca nhiễm COVID-19, báo cáo cho thấy có từ 40.000-50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần trước, khiến các chuyên gia phải đặt câu hỏi vì sao Anh hiện nay lại dễ bị lây nhiễm COVID-19 như vậy. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các trường hợp mắc và tử vong đang gia tăng một lần nữa ở Anh, nơi đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch bệnh vào mùa hè, bao gồm cả quy định về khẩu trang và vaccine.

Biến thể Delta plus được báo cáo là có nguy cơ lây nhiễm cao hơn 10-15% so với biến thể Delta hiện tại, nhưng còn quá sớm để khẳng định chắc chắn rằng nó là nguyên nhân chính làm gia tăng các ca nhiễm mới ở Anh.

Ở Mỹ, biến thể Delta chiếm hầu như tất cả các trường hợp mắc COVID-19 và biến thể Delta plus thỉnh thoảng cũng được phát hiện nhưng chưa gây ra những hậu quả đáng lo ngại.

Cũng như Mỹ, Israel cho biết họ đã xác nhận 1 trường hợp biến thể Delta plus ở một cậu bé 11 tuổi nhập cảnh vào nước này tại sân bay Ben Gurion. Tuần này, Nga cũng cho biết họ đã ghi nhận một số trường hợp đã được cách ly nhiễm biến thể Delta plus. Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng của Canada cũng xác nhận rằng biến thể Delta plus đã có mặt ở Canada với 9 trường hợp được xác định kể từ tháng 7/2021.

Điều đáng lưu ý là mặc dù Delta plus đang được theo dõi, nhưng nó chưa được WHO xem là "biến thể đang được điều tra" hoặc "biến thể cần đặc biệt quan tâm", đồng nghĩa với việc biến thể này chưa được xác định là có những thay đổi di truyền ở mức nguy hiểm liên quan tới khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng lẩn tránh được hệ miễn dịch và khó chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thay đổi nếu trong trường hợp biến thể Delta plus tiếp tục gây gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19.

Việc xác định một biến thể có khả năng lây truyền cao hơn là rất quan trọng vì nó có thể gây ra nhiều trường hợp mắc COVID-19 hơn ở những người chưa được tiêm vaccine.

Theo dữ liệu thống kê, nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ (chỉ 2,8% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19) trong khi các nước phát triển ngày càng phát hiện nhiều ca bệnh "lây nhiễm đột phá" khi khả năng miễn dịch với COVID-19 bị suy giảm vào thời điểm khoảng 6 tháng sau khi được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, một biến thể mới cũng có thể khiến cho hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 suy giảm.

Cuộc chiến chống SARS-CoV-2 với các biến thể liên tục xuất hiện đã, đang và sẽ là một cuộc chiến khó khăn cho các nhà khoa học nói riêng và toàn nhân loại nói chung.

Biên tập: Ngọc Anh - Viện Công nghệ Phacogen;

(Thạc sĩ Sinh học thực nghiệm. Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tài liệu tham khảo:

  1. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế
  2. Saathvik R Kannan , Austin N Spratt , Alisha R Cohen , S Hasan Naqvi , Hitendra S Chand , Thomas P Quinn, Christian L Lorson , Siddappa N Byrareddy , Kamal Singh. Evolutionary analysis of the Delta and Delta Plus variants of the SARS-CoV-2 viruses. Journal of Autoimmunity, 2021. DOI: 10.1016/j.jaut.2021.102715

Link bài viết tham khảo:

  1. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/bien-the-delta-plus-ay-4-2-va-muc-o-nguy-co-lay-lan-dich-benh-covid-19
  2. https://www.contagionlive.com/view/what-is-known-about-the-new-ay-4-2-delta-plus-variant
  3. https://www.aljazeera.com/news/2021/10/31/hld-new-delta-mutation-ay-4-2-here-is-what-we-know-so-far

 

Từ khóa: Nghiên cứu khoa học

Bài liên quan