Thứ ba, 19/07/2022 | 23:26

Sống sót sau căn bệnh ung thư khi còn trẻ ảnh hưởng đến sức khỏe trong phần cuộc đời còn lại như thế nào?

Từ khóa: Ung thư, ung thư sớm, sức khoẻ tâm thần

Tóm tắt nội dung

Tóm tắt:

Các nhà nghiên cứu hiện đang kêu gọi xem xét những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe khi lựa chọn phương pháp điều trị với những bệnh nhân ung thư khi mà một nghiên cứu cho thấy những người sống sót sau ung thư có số lần khám bác sĩ đa khoa hoặc bệnh viện liên quan đến bệnh tim mạch cao gấp 5 lần ở tuổi 45, nhóm đối chứng là những người không bị ung thư sớm trong đời. Họ cũng có số lần khám sức khỏe cao hơn nhiều liên quan đến nhiễm trùng, rối loạn hệ thống miễn dịch và các bệnh ung thư tiếp theo so với nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học College London đã phát hiện ra rằng những người sống sót sau ung thư sớm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi họ nhiều tuổi hơn và những rủi ro này thay đổi tùy theo loại ung thư đã mắc và phương pháp điều trị ung thư đó. Các nhà nghiên cứu hiện đang kêu gọi xem xét những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài liên quan đến bệnh nhân ung thư này khi những bệnh nhân trẻ tuổi và gia đình của họ phải quyết định về phương pháp điều trị với bác sĩ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health - Europe, cho thấy những người sống sót sau ung thư có số lần khám bác sĩ đa khoa hoặc đến bệnh viện để khám các bệnh liên quan đến tim mạch cao gấp 5 lần ở tuổi 45, so với nhóm đối chứng phù hợp là những người không bị ung thư sớm. Họ cũng có số lần khám sức khỏe cao hơn nhiều liên quan đến nhiễm trùng, rối loạn hệ thống miễn dịch và các bệnh ung thư tiếp theo so với nhóm đối chứng.

Xem xét về phương pháp điều trị, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng gánh nặng ảnh hưởng sức khỏe về sau là cao nhất đối với những người được điều trị bằng cả hóa trị và xạ trị, và thấp nhất đối với những bệnh nhân được phẫu thuật. Ví dụ, những người được điều trị bằng hóa trị và xạ trị có số lần nhập viện nói chung ở độ tuổi 45 cao hơn gấp đôi so với những người chỉ phải phẫu thuật, và họ có gấp bảy lần số lần khám bác sĩ đa khoa hoặc đến bệnh viện để khám bệnh tim mạch ở cùng độ tuổi. Họ cũng có nguy cơ mắc ung thư lần thứ hai và phát triển ung thư dữ dội hơn (di căn).

Tác giả chính, Tiến sĩ Alvina Lai (Viện Tin học Y tế UCL) cho biết: "Hơn 80% trẻ em và thanh niên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư sống sót, nhưng họ phải đối mặt với nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt do những tác động muộn do ung thư gây ra hoặc do điều trị bệnh ung thư trước đây gây ra." Ông cũng là người đầu tiên vạch ra đầy đủ việc sống sót sau ung thư sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân trẻ tuổi như thế nào khi họ lớn tuổi. "Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là các gia đình và bác sĩ của họ phải xem xét sớm những tác động lâu dài này, vì vậy lợi ích của một liệu pháp có thể được cân nhắc so với bất kỳ rủi ro lâu dài nào.". “Trong trường hợp những người được phát hiện ung thư từ sớm, chúng tôi hy vọng rằng các nghiên cứu sâu hơn có thể điều tra cách giảm thiểu tác động lâu dài của các liệu pháp điều trị ung thư với họ." Tác giả chính Wai Hoong Chang (Viện Tin học Y tế UCL) cho biết: "Hóa trị và xạ trị kết hợp có hiệu quả trong việc cứu sống bệnh nhân ung thư nhưng có liên quan đến chất lượng cuộc sống thấp hơn về lâu dài."

Nghiên cứu đã so sánh hồ sơ sức khỏe ẩn danh của 3.466 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở Anh trước 25 tuổi, những người sống sót trong ít nhất 5 năm, với một nhóm đối chứng gồm 13.517 người không bị ung thư sớm trong đời. Hai nhóm đối sánh dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, giới tính và mức độ thiếu hụt kinh tế xã hội. Dữ liệu được ghi lại từ năm 1998 đến năm 2020. Nhóm đã phân tích dữ liệu sức khỏe của những người sống sót sau ung thư từ 18 tuổi, hoặc 5 năm kể từ chẩn đoán ban đầu của họ - tùy điều kiện nào xảy ra sau đó.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh gánh nặng của 183 tình trạng thể chất và tinh thần ở hai nhóm, xem xét tổng số lần mọi người đã đến gặp bác sĩ gia đình hoặc nhập viện cho từng loại bệnh. Họ cũng phân tích gánh nặng của các bệnh khác nhau đối với những người sống sót sau ung thư được phân tầng theo loại ung thư, phương pháp điều trị ung thư nhận được và theo liều lượng điều trị.

Họ phát hiện ra rằng những người sống sót sau ung thư phát triển các tình trạng tim mạch mất trung bình 10 năm tuổi thọ so với những người không mắc bệnh, trong khi những người mắc các bệnh về hệ miễn dịch và nhiễm trùng mất trung bình 6,7 năm. Căn bệnh ung thư tiếp theo có liên quan đến việc mất đi 11 năm cuộc sống.

Những người sống ở những vùng thiếu thốn nhất có gánh nặng cao nhất về ảnh hưởng sức khỏe muộn, cho thấy sự cần thiết phải có các chính sách mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của những người có nguy cơ cao. Bệnh tâm thần cũng là một ảnh hưởng muộn phổ biến, cho thấy rằng cần phải có sự chăm sóc phối hợp về thể chất và tâm lý.

Nhóm nghiên cứu đã nhận được tài trợ từ Wellcome Trust, Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIHR) Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Bệnh viện Đại học London, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Bệnh viện NIHR Great Ormond Street, Viện Nghiên cứu Dữ liệu Y tế Vương quốc Anh, và Học viện Khoa học Y tế.

Biên tập:

Hoàng Hiệp – Viện Công nghệ Phacogen,

Tiến sĩ Công nghệ sinh học - Đại học UST, Hàn Quốc

 

Nguồn bài viết:

https://www.sciencedaily.com/releases/2021/11/211114201801.htm

Từ khóa: Nghiên cứu khoa học

Bài liên quan